Sáng 18/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chuyên đề Công an Thành phố phối hợp Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức Tọa đàm nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng.
Đại tá Lê Quang Đạo, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Tọa đàm nhằm nhận diện rõ hơn các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trong lĩnh vực tài chính, công nghệ cao; qua đó xác định rõ các nguyên nhân, xu hướng tội phạm này để đưa ra các biện pháp khuyến cáo, phòng ngừa cho người người dân, doanh nghiệp. Cùng với ban hành, sửa đổi một số chính sách, quy định liên quan, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về lừa đảo trực tuyến, tăng cường ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân và xây dựng mạng lưới liên kết giữa các tổ chức trong quá trình điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc là rất quan trọng.
Theo Thượng tá Lê Minh Hải, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an Thành phố, tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Tài chính, ngân hàng là một trong những lĩnh vực mà tội phạm sử dụng công nghệ cao triệt để lợi dụng thời gian qua để thực hiện hành vi phạm tội. Các phương thức thủ đoạn điển hình như tấn công mạng vào hệ thống tổ chức ngân hàng, tài chính để chiếm đoạt tài sản; giả mạo tổ chức ngân hàng, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp liên quan lĩnh vực tài chính để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Theo báo cáo của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), năm 2023, tổng thiệt hại từ các hình thức lừa đảo trên không gian mạng khoảng 12,5 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2022 nhưng đã tăng gấp đôi so với năm 2021. Trong đó, gần một nửa thiệt hại từ hoạt động lừa đảo liên quan đến tiền mã hóa, tài sản mã hóa và các loại ví (khoảng 5,6 tỷ USD). Đặc biệt, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), các hoạt động lừa đảo, rửa tiền có xu hướng gia tăng nhanh với tính chất phức tạp hơn rất nhiều.
Tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung cho biết, các vụ lừa đảo lợi dụng AI đã tăng tới 3.050% từ năm 2022 – 2023. Đáng kể nhất là các hình thức deepfake (giả giọng nói và hình ảnh giống như thật) để lừa tiền, thao túng hành vi… Không chỉ cá nhân mà các tổ chức tài chính, ngân hàng vốn được bảo mật kỹ lưỡng cũng nằm trong tầm ngắm của các đối tượng tấn công mạng.
Các chuyên gia nhìn nhận, bên cạnh những lợi ích to lớn của không gian mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là lừa đảo trực tuyến đang diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Việc nâng cao năng lực và xây dựng cơ chế hiệu quả để phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng là một yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Thượng tá Lê Minh Hải cho biết, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ tiếp tục tham mưu Công an Thành phố phối hợp các cục nghiệp vụ liên quan đề xuất Bộ Công an kiến nghị, đề xuất Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, bổ sung các quy định của pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng và một số vấn đề liên quan lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Cùng với đó, các tổ chức tài chính, ngân hàng cần quan tâm đầu tư đúng mức tiềm lực an ninh mạng, nhận diện và chủ động ngăn chặn các rủi ro bị tội phạm tác động hoặc lợi dụng dịch vụ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Với người sử dụng mạng, Thượng tá Lê Minh Hải khuyến cáo cần trang bị kiến thức cơ bản có thể tự phòng ngừa hiệu quả trước các rủi ro, phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm trên không gian mạng. Không nên công khai các thông tin này một cách tùy tiện trên không gian mạng, như ngày, tháng, năm sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng…
Cùng ý kiến này, ông Phan Đức Trung đề xuất, cần nhanh chóng phổ cập kiến thức về blockchain và AI đến mọi đối tượng trong cộng đồng để giảm thiểu tình trạng lừa đảo, nhất là đối với những người yếu thế. Hình thức đào tạo cần linh hoạt, đa dạng, bao gồm đào tạo trực tiếp, tổ chức hội thảo, diễn đàn, đào tạo online…