Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng lĩnh vực khoa học và công nghệ

Xử lý hàng loạt vi phạm

Theo đó, đối với thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, trong quý III/ 2023, Bộ KH&CN (Thanh tra Bộ; Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBX&HN) và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC)) đã tiến hành 99 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 106 cơ sở, ban hành 7 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) trong lĩnh vực ATBX&HN hoạt động KH&CN và TĐC.

Về ATBX&HN: Chủ yếu vi phạm tiến hành công việc bức xạ khi giấy phép hết hạn sử dụng từ trên 30 ngày làm việc; vi phạm điều kiện của giấy phép… Về TĐC, hành vi vi phạm cụ thể là nhập khẩu dầu nhờn động cơ đốt trong có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ đối với thiết bị điện và điện tử gia dụng và các mục đích tương tự… Bộ KH&CN (Tổng cục TĐC; Thanh tra Bộ) đã ban hành 3 quyết định XPVPHC với tổng số tiền xử phạt là 326 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. 

Đối với kết quả 9 tháng đầu năm 2023, Bộ KH&CN đã tiến hành 277 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 277 cơ sở, ban hành 28 quyết định XPVPHC trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, ATBX&HN, hoạt động KH&CN và TĐC với tổng số tiền xử phạt là 141 triệu đồng. 

Vi phạm chủ yếu là không tuân thủ các quy trình, thủ tục đánh giá đã được phê duyệt; cử chuyên gia thực hiện đánh giá sự phù hợp không đáp ứng điều kiện theo quy định; không thực hiện đánh giá chứng nhận sản phẩm phù hợp nhưng cấp kết quả đánh giá sự phù hợp; và không thực hiện báo cáo định kỳ và thực hiện hiệu chuẩn ngoài phạm vi đã đăng ký hoạt động. Bộ KH&CN (Tổng cục TĐC) đã ban hành 18 quyết định XPVPHC với tổng số tiền xử phạt là 2,1 tỷ đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật, cụ thể: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận hoạt động chứng nhận hệ thống quản lý trang thiết bị y tế ISO 13485 đến 9 tháng; buộc thu hồi các kết quả đánh giá sự phù hợp đã cấp cho 7 khách hàng; và tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm 1,5 tháng, buộc thu hồi 1 giấy chứng nhận hiệu chuẩn. 

Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Bộ KH&CN nhận được tổng số đơn khiếu nại là 926 đơn; tổng số đơn đã giải quyết là 747 đơn; số đơn còn lại là 179 đơn.

Về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, Bộ KH&CN tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Kết quả, Bộ KH&CN thực hiện các quy định pháp luật về PCTN và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đến liên hệ công tác; thường xuyên rà soát cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ. Quán triệt các đơn vị xây dựng các chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của đơn vị mình thông qua việc kiểm soát chi tiêu hiệu quả, đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phù hợp với đặc thù hoạt động của từng đơn vị, không vượt quá chế độ, định mức, tiêu chuẩn chung của Nhà nước; công bố, công khai thủ tục hành chính, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp quy định hành chính; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình và thủ tục, giảm thời gian và chi phí trong việc thực hiện các thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp. Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực: Bộ KH&CN chưa phát hiện vụ việc tham nhũng, tiêu cực. 

Đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Bộ KH&CN đã chủ động trong công tác, kịp thời tham mưu đề xuất với lãnh đạo các cấp những nội dung thanh tra phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn cụ thể.

Bộ KH&CN đã phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước về KH&CN, góp phần xử lý các vi phạm, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đề xuất Thanh tra Chính phủ tập huấn công tác PCTN

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác PCTN của ngành KH&CN, còn một số vướng mắc như: Công tác tự giám sát, kiểm tra, thực hiện công khai trong quản lý còn một số vấn đề tồn tại một số đơn vị, cá nhân chưa hiểu hết tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác PCTN và công tác tự kiểm tra, giám sát. Công tác xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đang gặp nhiều vướng mắc. 

Để có hướng khắc phục, Bộ KH&CN chỉ đạo các đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra thuộc Bộ KH&CN tiếp tục triển khai Kế hoạch thanh tra, kiểm tra được phê duyệt trong năm 2023. Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi nghiệp vụ của lực lượng thanh tra ngành KH&CN từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN phối hợp giải quyết kịp thời chống chéo trong hoạt động thanh tra giữa các cơ quan thanh tra ở Trung ương và địa phương.

Nhằm đẩy mạnh PCTN, Bộ KH&CN đề xuất Thanh tra Chính phủ tiếp tục duy trì cơ cấu tổ chức thanh tra sở KH&CN và thành lập Cơ quan Thanh tra Tổng cục TĐC, cơ quan Thanh tra Cục ATBX&HN và Cơ quan Thanh tra Cục Sở hữu trí tuệ đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về KH&CN và đổi mới sáng tạo, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về công tác xác minh tài sản, thu nhập. Tiếp tục tăng cường công tác bồi dưỡng và đào tạo để nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, thanh tra viên. Tiếp tục thực hiện vai trò định hướng, nâng cao nghiệp vụ cho toàn ngành thanh tra KH&CN.