“Làn sóng” đóng cửa, tạm ngừng hoạt động của các chủ khách sạn trong đợt bùng phát dịch lần này tiếp tục khiến người lao động, đặc biệt là những người làm việc ở những vị trí thấp lao đao vì mất việc làm
Theo báo cáo về thị trường khách sạn khu vực phía Nam 6 tháng đầu năm 2021 do Savills Việt Nam công bố thì có vẻ tình hình hoạt động kinh doanh cải thiện khi nhiều khách sạn tầm trung đăng ký làm điểm cách ly có thu phí. Trong quý 2/2021, TP.HCM có 8 khách sạn làm nơi cách ly mới đi vào hoạt động, nâng tổng số lên 25, cung cấp hơn 3.000 phòng. Công suất phòng khách sạn đạt 18%, tăng nhẹ 1% theo quý, xuất phát từ nhu cầu lưu trú dài hạn và tỉ lệ lấp đầy của khách sạn cách ly đạt trên 60%.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu của Savills Việt Nam, cho biết khảo sát của Savills dựa trên tình hình hoạt động các khách sạn còn mở cửa, không bao gồm các khách sạn tạm dừng đón khách do không thể duy trì hoạt động dưới tác động của dịch COVID-19. Con số 18% hiện đã là mức công suất rất thấp so với trung bình 70% của thời kỳ trước khi dịch bùng phát trên phạm vi toàn thế giới.
Tuy nhiên, nếu nhìn về chặng đường đã qua của ngành kinh doanh khách sạn thì với giới đầu tư đó thật sự là chặng đường khó khăn mà họ chưa bao giờ nghĩ tới. Theo Sở Du lịch TPHCM, trong nửa đầu năm 2021, TPHCM có hơn 50% cơ sở lưu trú hạng ba sao hoặc tương đương phải tạm ngưng hoạt động, các cơ sở lưu trú hạng bốn, năm sao hoặc tương đương chỉ hoạt động cầm chừng; doanh thu lưu trú giảm 70%, doanh thu hoạt động ăn uống giảm 80%, doanh thu các hoạt động dịch vụ khác giảm 68% so với năm 2019. Hiện tại, chưa có báo cáo chính thức nào về số lao động trong ngành khách sạn phải mất việc sau bốn đợt dịch nhưng nhiều doanh nhân cho biết, số lượng này chỉ có tăng chứ không thể giảm.
“Làn sóng” đóng cửa, tạm ngừng hoạt động của các chủ khách sạn trong đợt bùng phát dịch lần này tiếp tục khiến người lao động, đặc biệt là những người làm việc ở những vị trí thấp lao đao vì mất việc làm. Có một số khách sạn đăng ký làm nơi cách ly người mắc và nghi mắc COVID-19 (F0, F1) nhưng con số này không nhiều và chi phí vận hành có thể cao hơn bình thường do phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về phòng, chống dịch.
Thời gian qua, tại TPHCM và nhiều trung tâm du lịch khác như Đà Lạt, Vũng Tàu… cơn sóng ngầm mua, bán khách sạn vẫn âm ỉ. Số lượng rao bán, đặc biệt là các khách sạn nhỏ và vừa ngày càng nhiều hơn nhưng hiếm có nơi nào công bố giao dịch thực tế để có những đánh giá tổng thể về thị trường. Một nhà đầu tư trong lĩnh vực cơ sở lưu trú cho biết ở thời điểm sau Tết, mặc dù lúc đó ngành du lịch bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tuy nhiên ông và các cổ đông đã tính đến chuyện cho thuê thậm chí là bán các khách sạn mà công ty ông đã đầu tư để có nguồn quỹ duy trì. Trong các dịch vụ mà công ty ông đang kinh doanh gồm du lịch và liên quan đến du lịch thì ông chọn ngừng mảng khách sạn vì “chỉ có khách sạn mới bán được chứ bán dịch vụ lữ hành thì ai mua? Ở thời điểm cuối tháng 5 vừa qua đã có đối tác đồng ý với mức giá mà ông đã phải giảm đi rất nhiều lần. Tuy nhiên, cú bùng phát dịch mới đây kèm theo đó là giãn cách xã hội kéo dài khiến mọi kế hoạch vỡ vụn.
“Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa biết khi nào ngành du lịch có thể quay lại trạng thái bình thường. Nếu Việt Nam khống chế thành công đại dịch sớm, ngành du lịch cũng khó hồi phục ngay mà cần thêm 1 – 2 năm. Chi phí để “nuôi” một khách sạn trong 1 – 2 năm là rất lớn, nên nhiều chủ phải đưa ra quyết định rao bán khách sạn”, ông David Jackson – Tổng Giám đốc Colliers International Việt Nam đưa ra nhận định.
Theo đánh giá thị trường của chuyên gia này thì hai năm nay, ngành du lịch vắng du khách khiến các chủ khách sạn phải gồng mình chịu lỗ hoặc rao bán khách sạn để cắt lỗ. Các khách sạn đang được rao bán ở nhiều phân khúc, giá rẻ hơn so với trước đại dịch từ 15 – 25%. Áp lực từ các khoản vay ngân hàng là nguyên nhân khiến giới đầu tư khách sạn phải đi đến quyết định này.