Những người ‘chối bỏ công nghệ’ nhưng giữ lá phiếu quyết định bầu cử Mỹ – Công nghệ

Không sử dụng điện, ôtô, tivi, các loại máy móc, không được phép chụp ảnh là cuộc sống của tộc người Amish. Nhưng với đảng Cộng hòa, lá phiếu của họ có thể mang tính quyết định.

Những người ‘chối bỏ công nghệ’ nhưng giữ lá phiếu quyết định bầu cử Mỹ – Công nghệ

Một trong những nguyên nhân khơi dậy sự quan tâm chính trị của người Amish chính là sự kiện nông dân Amos Miller bị cấm bán sữa tươi chưa qua tiệt trùng. Ảnh: Mundo.

Dù là cộng đồng nhỏ và sống khép kín, người Amish đã trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến dịch vận động bầu cử của đảng Cộng hòa. Nhất là tại bang Pennsylvania – một bang dao động quan trọng với 19 phiếu đại cử tri.

“Trump có một số ý tưởng tốt, nhất là về kinh tế”, Henry Stoltz, một nông dân trồng rau Amish tại Manheim, Pennsylvania, chia sẻ. Tuy nhiên, anh vẫn băn khoăn, “nhưng đạo đức của ông ấy thì tôi không thích”.

“Người Amish có thể cứu rỗi nước Mỹ. Cảm ơn vì họ đã ở đây, và hãy giữ chính phủ tránh xa cuộc sống của họ”, Elon Musk chia sẻ trong một bài viết trên X hôm 6/11. Một ngày trước đó, chính Musk cũng đã đưa đón bằng xe buýt những cử tri thuộc cộng đồng Amish không thể tự lái xe đến điểm bỏ phiếu.

Lý do nào khiến người Amish ủng hộ ông Trump?

Người Amish di cư đến Pennsylvania vào thế kỷ 18 từ Thụy Sĩ và Đức, mong muốn thoát khỏi sự đàn áp tôn giáo. Họ sống theo truyền thống Tin lành bảo thủ, cho rằng cần tách biệt khỏi xã hội để giữ sự trong sạch trong niềm tin. Nhiều người Amish vẫn trung thành với cuộc sống không điện, không xe hơi và chỉ di chuyển bằng xe ngựa.

Không ít người Amish truyền thống từ chối tham gia bầu cử vì tin rằng việc phục vụ đức tin là sứ mệnh cao hơn. Song, một số người, nhất là giới trẻ, đã bắt đầu suy nghĩ về việc tham gia bầu cử để bảo vệ các giá trị tôn giáo và quyền lợi của mình.

Một trong những nguyên nhân khơi dậy sự quan tâm chính trị của người Amish chính là sự kiện nông dân Amos Miller bị cấm bán sữa tươi chưa qua tiệt trùng hồi tháng 1. Đây vốn là một truyền thống của cộng đồng Amish từ nhiều thế kỷ qua.

Vụ kiện đã khiến nhiều người Amish phẫn nộ trước sự can thiệp của chính phủ, bởi quyền bán sản phẩm tự nhiên của họ bị xâm phạm. “Câu chuyện về sữa tươi thực sự làm chúng tôi nổi giận. Chúng tôi ghét việc chính phủ can thiệp vào quyền bán sản phẩm của mình”, Times trích dẫn lời người dân tại đây.

Chính sự kiện này đã thúc đẩy nhiều người đăng ký đi bầu nhằm bảo vệ quyền tự do tôn giáo và quyền tự quyết của nông dân.

Amish bau Donald Trump anh 1

Henry Stoltz, một nông dân trồng rau người Amish, đã đăng ký bầu cử. Ảnh: Times.

Ryan Sexton, một người ủng hộ Trump tích cực kêu gọi người Amish đi bỏ phiếu, cho biết: “Lần này, chúng tôi thấy họ hào hứng hơn hẳn, khi đi qua chúng tôi họ luôn giơ ngón tay cái lên tỏ ý ủng hộ”.

Sexton là người dẫn đầu nhóm vận động “Early Vote Action” tại quận Lancaster. Ông cho biết thêm nhóm của ông đã ghi nhận hàng nghìn người Amish mới tham gia bầu cử. Sexton còn tuyên bố rằng: “Amish có thể tạo ra sự khác biệt lớn năm nay”.

Nhóm “Early Vote Action” đã in hàng trăm biển hiệu “Amish cho Trump” và dựng lên tại các khu chợ địa phương.

Scott Presler, người sáng lập “Early Vote Action” và là một trong những người vận động lâu năm cho Trump, cũng là nhân vật chủ chốt trong chiến dịch này. Presler chia sẻ trên chương trình của Megyn Kelly rằng: “Người Amish đang bị ảnh hưởng từ những chính sách của Đảng Dân chủ như tự do tôn giáo, sữa nguyên liệu và quyền lợi của doanh nghiệp nhỏ”.

Ông không ngần ngại chỉ trích Thống đốc bang Pennsylvania đang “phá hoại” các giá trị cốt lõi của người Amish.

Lập trường đi ngược số đông của người Amish

Trong khi chiến dịch bầu cử đang sôi nổi, cộng đồng Amish vẫn giữ lối sống yên bình, khác biệt giữa thế giới ngày càng hiện đại hóa.

Guardian mô tả những ngôi làng Amish yên ắng với hình ảnh các gia đình mặc trang phục giản dị, trẻ em làm việc đồng áng, không sử dụng điện và các thiết bị điện tử. Những nguyên tắc kỷ luật cao và đức tin mạnh mẽ đã giúp họ không bị ảnh hưởng nhiều từ công nghệ và các tiện nghi hiện đại.

Daniel Weaver, một người Amish tại New York, chia sẻ với Guardian rằng mình từng có lần từng xem một bộ phim nhiều năm trước. Song, ông cảm thấy “không tự hào về điều đó” và rằng lối sống giản dị là cách để bảo vệ gia đình khỏi những cám dỗ của thế giới bên ngoài. Ông cũng nhấn mạnh rằng “giá trị của chúng tôi khác biệt và chúng tôi chọn cách bảo vệ chúng”.

Tuy nhiên, tác giả Kevin Kelly chia sẻ trong cuốn sách What Technology Wants người Amish không hoàn toàn phản đối hiện đại hóa. Sau khi thăm các cộng đồng Amish, Kelly nhận thấy họ sử dụng radio chạy bằng pin, máy xay lúa điều khiển bằng máy tính, tấm năng lượng mặt trời và thậm chí cả cây trồng biến đổi gen.

New York Times từng đưa tin rằng một số tiệm bánh của người Amish đã bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. “Người Amish không hoàn toàn chống công nghệ. Nhưng thái độ của họ là không cần phải sử dụng mọi thứ mới mẻ”, tác giả cho hay.

“Người Amish có một ranh giới rõ ràng về giá trị của mình. Và công nghệ mới được đánh giá dựa trên tác động của nó lên các giá trị đó”, Kelly cho biết. Trong khi hầu hết chúng ta sẵn sàng nói “có” với mọi thứ mới mẻ, cộng đồng Amish bắt đầu từ “không” cho tới khi công nghệ chứng minh được giá trị của nó.

Đơn cử như xe hơi. Phương tiện này không được chấp nhận bởi khuyến khích con người di chuyển xa khỏi gia đình và cộng đồng. Nhưng laptop và smartphone lại có thể được dùng trong công việc nếu mang lại hiệu quả, mà không ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.

Theo WFDD, người Amish sử dụng công nghệ mới thông qua một quy trình thận trọng, được giáo sư Donald Kraybill tại Elizabethtown College gọi là “Amish hacking”. Đây là một kiểu thích nghi để khai thác lợi ích từ công nghệ trong khi vẫn giữ vững truyền thống.

Chẳng hạn, có một số công ty sẽ chuyên cung cấp máy tính dành riêng cho người Amish. Quảng cáo của họ sẽ nhấn mạnh những gì mà thiết bị không có: không Internet, không video, không âm nhạc. Theo Kraybill, đây là cách mà người Amish “đánh lừa” các hạn chế xã hội, tìm ra con đường chung giữa lợi ích của công nghệ và đạo lý truyền thống.

Tại quận Lancaster, bang Pennsylvania, Kraybill nhận thấy nhiều người Amish chấp nhận dùng điện, nhưng không phải từ lưới điện chính mà từ những nguồn điện tự sản xuất như pin mặt trời hoặc máy phát diesel. Họ tránh phụ thuộc vào hệ thống điện chung của xã hội để duy trì sự cách biệt với thế giới bên ngoài.

Những giá trị này đã khiến nhiều người không phải Amish ngưỡng mộ. “Khi bạn có gia đình 13 người và hầu hết đều theo đức tin, thì hóa ra bạn sẽ có rất nhiều người. Tôi nhìn thấy sức lao động được chia sẻ và cảm giác làm việc cùng nhau – thứ mà chúng ta hiếm khi có. Điều tôi luôn ngưỡng mộ nhất chính là sức mạnh của gia đình họ”, Giáo sư nhân chủng học Karen Johnson-Weiner nhận xét.

Dù sống trong một thế giới thu nhỏ, cộng đồng Amish vẫn phát triển nhanh chóng. Theo nghiên cứu của Đại học Elizabethtown, số lượng người Amish ở Bắc Mỹ đã tăng từ 100.000 người vào năm 1989 lên hơn 330.000 người. Nghiên cứu còn cho thấy có thể sẽ có hơn 1 triệu người Amish ở Bắc Mỹ vào năm 2050.

Điều này một phần nhờ vào các gia đình Amish lớn với nhiều con cái, nhưng cũng nhờ vào việc giới trẻ Amish ngày càng chọn ở lại cộng đồng thay vì rời bỏ.

Những nhà khoa học tiên phong

“Những nhà khoa học tiên phong” là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.