34 phút trước
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Mikhail Sholokhov (1905-1984)
Rất ít nhà văn Liên Xô được tiếp cận với Joseph Stalin như Mikhail Sholokhov.
Xét về các cuộc họp cá nhân và thư từ (những người cùng thời như Mikhail Bulgakov và Boris Pasternak tự nhận được một hoặc hai cuộc điện thoại hoặc thư từ Điện Kremlin), ông chắc chắn đủ tiêu chuẩn là “người ghi chép của Stalin”.
Sholokhov cũng là người độc nhất vô nhị khi là nhà văn thời Xô Viết duy nhất không phụ lòng chính quyền khi được trao giải Nobel Văn học vào năm 1965.
Nhưng cuộc thảo luận về Mikhail Sholokhov đều bắt đầu bằng câu hỏi về đạo văn – làm thế nào, vào năm 1926 và 1927, một thanh niên 22 tuổi đã viết ra phần đầu của Sông Đông êm đềm?
Đó là một kỳ tích văn học đối với một nhà văn có tác phẩm trước đó, hầu hết là truyện ngắn, tỏ ra nhạt nhẽo.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Mikhail Sholokhov (1905-1984)
Hàng dài những lời gièm pha nhắm vào Sholokhov, trong suốt nhiều thập niên – đáng chú ý nhất là của Alexander Solzhenitsyn – đã buộc tội ông ta đã sử dụng lại cuốn tiểu thuyết của một người đã chết mà ông ta tìm thấy giữa một đống giấy tờ bị bỏ lại trong sự hỗn loạn của cách mạng và nội chiến.
Tiểu sử về người đoạt giải Nobel gây tranh cãi Mikhail Sholokhov (1905-1984) được Brian J. Boeck công bố năm 2019, trong cuốn sách Người ghi chép của Stalin: Văn học, Tham vọng và Sự sống còn.
Brian J. Boeck có bằng Tiến sĩ về lịch sử Nga từ Đại học Harvard và đã giảng dạy lịch sử Nga và Liên Xô trong hơn một thập niên tại Đại học DePaul.
Boeck đưa người đọc vào một cuộc hành trình theo trình tự thời gian qua hầu hết các năm của sự nghiệp nhà văn, khi Sholokhov vươn lên từ một nhân vật nổi tiếng trở thành quan chức Hội Nhà văn.
Cuộc đời của Sholokhov diễn ra trong mối liên hệ chặt chẽ với các sự kiện có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế: tập thể hóa nông dân; cuộc Đại khủng bố cuối những năm 1930; Chiến tranh thế giới thứ hai; Cái chết của Stalin; Các chiến dịch nông nghiệp của Khrushchev; và cuộc chiến chống những người bất đồng chính kiến của Brezhnev.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Chân dung Mikhail Sholokhov (1905-1984)
Tài liệu của Boeck có rất nhiều tiết lộ từ các giấy tờ của chính Sholokhov, các kho lưu trữ của Liên Xô (phần lớn dựa trên các tài liệu đã xuất bản) và các bộ sưu tập của phương Tây, bao gồm cả các kho lưu trữ của Giải Nobel.
Ông là một người phát ngôn của chế độ, nhưng cũng làm nhiều thứ khác, như Boeck nhắc nhở chúng ta trong bức chân dung.
Khi công khai ủng hộ việc trả tự do cho những người bị giam cầm sai trái trong cuộc Đại khủng bố, Sholokhov đã thể hiện sự dũng cảm phi thường khi những người khác – hầu như tất cả mọi người, đều bị bao trùm bởi nỗi sợ hãi.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Sau hơn ba năm chiến tranh, Liên Xô đã nghiền nát quân Đức và tiến vào sát Berlin
Sholokhov gặp Stalin vào năm 1931 khi ông đang đối phó với các nhà phê bình và biên tập viên, những người đặt câu hỏi về sự thuần khiết tư tưởng của tập thứ ba Sông Đông.
Nhà lãnh đạo Liên Xô, một độc giả nhiệt tình, hâm mộ cuốn tiểu thuyết, và Sholokhov đã trở thành một trong những người ghi chép được ưa chuộng bởi nhà độc tài.
Stalin cho phép tác phẩm của ông được xuất bản và bảo vệ ông khỏi những cuộc thanh trừng trí thức trong cuộc Đại khủng bố.
Sholokhov nổi tiếng với những cuộc tấn công ác độc nhằm vào những người bất đồng chính kiến trong những năm 1960 và 1970. Nhưng điều ít biết hơn là trong những năm 1930, ông đã thể hiện sự dũng cảm hiếm có về mặt đạo đức.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Ba Ông lớn (The Big Three), gồm Winston Churchill, Franklin Roosevelt và Joseph Stalin
Trong suốt những năm 1930, Sholokhov đã điều hướng một cách thành thạo mối quan hệ của mình với Stalin, và thậm chí sử dụng nó để cứu hàng nghìn người ở vùng sông Đông quê hương của ông trong giai đoạn thảm khốc nhất của quá trình tập thể hóa nông nghiệp cưỡng bức.
Nhưng cuối cùng con đường ổn định của Sholokhov đã khiến ông phải thỏa hiệp.
“Vào tháng 3 năm 1939,” Boeck viết, “ông đã đứng lên trước 2000 đại biểu [của Đại hội 18 của Đảng Cộng sản] và toàn thể dân chúng Liên Xô và tuyên bố rằng Đại khủng bố là một chiến thắng xứng đáng.”
Ba tháng sau màn trình diễn đáng xấu hổ của mình, nhà văn đã “tìm kiếm niềm an ủi khi sống đơn độc với thiên nhiên,” đi câu cá trên sông Đông, bỏ mũ và trôi dạt hàng giờ dưới cái nắng gay gắt của mùa hè.
Sholokhov đã mất nhiều tuần để hồi phục khả năng suy nghĩ sáng suốt.
Vào năm sau, ông tự động viên mình để hoàn thành tập thứ tư và cũng là tập cuối cùng của “Sông Đông êm đềm”.
Sau khi xuất bản tập cuối cùng của Sông Đông vào năm 1940, Sholokhov không viết được gì đáng giá. Stalin muốn ông viết Chiến tranh và hòa bình của Liên Xô, một thiên anh hùng ca về chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng Sholokhov không thể đáp ứng được.
Không giống như Vasily Grossman và nhiều nhà văn khác, ông ít được chứng kiến những trận thực chiến. Quan trọng hơn, ông đã đánh mất tài năng của mình – và biết điều đó. Trong khi giả vờ gần như đã hoàn thành một cuốn tiểu thuyết mà chưa bắt đầu, ông tìm quên trong rượu.
Cuộc đấu tranh của Sholokhov để có thể sống trung thực trong bầu không khí tối tăm mù mịt là chủ đề trong cuốn tiểu sử chính trị hấp dẫn của Boeck.
Sinh ra trong một gia đình không phải người Cossack nhưng lớn lên giữa những người Cossack ở vùng sông Đông, gần thị trấn Vioshki, Sholokhov đã đi làm sớm. Năm 1922, khi đang làm công việc thu thuế vào cuối Nội chiến, ông bị bắt vì làm sai lệch hồ sơ. Khi đó ông đã nhằm giảm bớt những khó khăn của những người nông dân nghèo Cossack bằng cách giảm các khoản đóng góp ngũ cốc cần thiết của họ.
Tội đáng bị tử hình, nhưng anh chỉ bị kết án quản chế vì cha của anh đã hối lộ một linh mục để làm giả hồ sơ rửa tội và do đó khiến cậu thanh niên trở thành trẻ vị thành niên theo luật pháp Liên Xô.
Được tha, nhưng không còn đủ khả năng để đảm bảo công việc lương cao dành cho những người cộng sản, Sholokhov quyết định thử vận may ở thủ đô.
Ngay sau khi chuyển đến Moscow, ông đã phát hiện ra niềm đam mê viết lách.
Câu hỏi làm thế nào những bước đầu tiên tầm thường này phát triển thành những bước tiến khổng lồ – hai tập đầu tiên của Sông Đông êm đềm – tiếp tục dấy lên nghi ngờ rằng Sholokhov đã đạo văn.
Theo đó, ông ta đã lấy sách từ một bản thảo chưa được xuất bản của một người chống Bolshevik Cossack tên là Fyodor Kryukov (1870-1920).
Có rất ít bằng chứng chắc chắn cho tố cáo này, mặc dù Sholokhov chắc chắn đã sử dụng hoặc ăn cắp nhiều nguồn văn học và lịch sử khi viết tiểu thuyết của mình.
Ở Moscow, một trong những biên tập viên đầu tiên của Sholokhov, Feoktist Berezovskii, đã rất nghi ngờ.
Vào đầu năm 1929, tin đồn bắt đầu lan truyền ở Moscow rằng một bà già đã viết thư cho chính quyền Xô Viết tuyên bố rằng con trai bà, người mất tích trong Nội chiến, đã viết cuốn tiểu thuyết. Bà khẳng định rằng các chương của Sông Đông xuất bản gần đây giống với cuốn sách của con trai bà.
Khi tin đồn đến tai Stalin, cuộc tranh cãi trở thành vấn đề sinh tử đối với Sholokhov.
Vào tháng 3 năm 1929, ban biên tập của Pravda (tờ nhật báo quan trọng nhất của Liên Xô) đã triệu tập phiên họp đặc biệt để xem xét những cáo buộc rằng Sholokhov đã đạo văn. Vài ngày sau, Pravda công khai minh oan cho Sholokhov và tuyên bố tin đồn đạo văn là “lời vu khống ác ý được lan truyền bởi những kẻ thù của chế độ độc tài vô sản.”
Mặc dù Sholokhov đã vượt qua được vụ bê bối đạo văn, các quan chức sau đó chần chừ không muốn cho in phần ba Sông Đông, vì cho là chống Liên Xô.
Các nhà phê bình phàn nàn rằng ông không dứt khoát về phía giai cấp vô sản. Họ buộc tội ông theo chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa hòa bình, và tệ nhất là chủ nghĩa khách quan. Ông dám khắc họa những kẻ thù giai cấp mà không thể hiện sự căm ghét quá mức, cường điệu đối với chúng.
Trong một nỗ lực tuyệt vọng để cứu Sông Đông, vào mùa xuân năm 1931, Sholokhov đã nhờ Maxim Gorky, nhà văn còn sống nổi tiếng nhất của Nga.
Vài tuần sau, Gorky mời ông đến một cuộc họp để thảo luận về cuốn tiểu thuyết tại biệt thự ở trung tâm Moscow.
Khi Sholokhov đến, Gorky không đơn độc. Một khuôn mặt râu ria rất quen thuộc có mặt, đó là Stalin.
Stalin ngay lập tức cáo buộc Sholokhov có cảm tình với một số kẻ thù xấu xa nhất của cuộc cách mạng.
Sholokhov thấy đôi mắt của nhà độc tài rực cháy như một con hổ sẵn sàng vồ mồi. Nhưng ông giữ vững lập trường của mình. Ông tự tin tranh luận với Stalin và mạnh mẽ bảo vệ quyết định táo bạo của mình.
Stalin rất ấn tượng trước sự kiên trì của Sholokhov. Phấn khởi, Sholokhov tạm biệt với giải thưởng được thèm muốn nhất – số điện thoại của Stalin.
Người ta thường nói rằng không có gì khác mà Sholokhov đã viết có thể sánh bằng Sông Đông êm đềm.
Và ngay cả hai tập cuối của Sông Đông, theo dư luận, yếu hơn hai tập đầu. Nhưng như tiểu sử của Boeck làm chứng, có thể giải thích sự suy giảm số lượng tác phẩm và chất lượng đó là do áp lực cực lớn mà Sholokhov gặp phải.
Khi nhà văn đến Điện Kremlin trong tình trạng say xỉn vào năm 1938, Stalin đã rất thất vọng và đưa ra lời cảnh báo: “Đồng chí Sholokhov, tôi đã nhận được báo cáo rằng đồng chí đã uống quá nhiều”.
Đáp lại, Sholokhov nói thay mọi người dân Liên Xô: “Từ cuộc đời như vậy, thưa đồng chí Stalin, bất cứ ai cũng sẽ quay sang uống rượu”.
Stalin, người bảo vệ và hành hạ Sholokhov, qua đời vào năm 1953.
Mặc dù tác giả sống lâu hơn Stalin tới 31 năm, nhưng ông chưa bao giờ thoát khỏi thời đại Stalin.
Sholokhov không chỉ ngừng viết trong thời kỳ hậu Stalin, mà cách cư xử của ông đối với các tác giả đồng nghiệp của mình trở nên nhẫn tâm, đáng khiển trách.
Khi Andrei Siniavsky và Yuli Daniel, những người đã xuất bản các tác phẩm châm biếm của họ ở nước ngoài, bị bắt, bị kết án vì tội kích động và tuyên truyền chống Liên Xô vào năm 1966, Sholokhov đã từ chối đứng về phía những người ôn hòa khi xem xét bản án – bảy năm khổ sai lao động cho Siniavsky, năm năm cho Daniel.
Việc Sholokhov sẵn sàng nói thay cho Đảng đã phá hủy danh tiếng của ông trong mắt hầu hết các nhà văn Xô Viết tự do.
Nó khiến ông thành kẻ thù của Aleksandr Solzhenitsyn, người cũng đến từ vùng sông Đông và giành giải Nobel vào năm 1970.
Ban đầu bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với sách của Solzhenitsyn, Một ngày trong cuộc đời của Ivan Denisovich (1962), nhưng Sholokhov đã nhanh chóng coi ông ta là một “kẻ mất trí độc hại, người đã mất kiểm soát lý trí.”
Ông đề nghị trục xuất Solzhenitsyn khỏi Hội Nhà văn Liên Xô.
Solzhenitsyn coi Sholokhov là kẻ tầm thường và bị ám ảnh rằng ông phải chứng minh tay nhà văn kia đã đạo văn những phần hay hơn trong Sông Đông.
Năm 1984, Sholokhov qua đời và được tổ chức một đám tang hoành tráng.
Brian J. Boeck, trong một phỏng vấn, nhận định: “Câu chuyện của Sholokhov là về một người theo chủ nghĩa Stalin nhưng đã sống lâu hơn chủ nghĩa Stalin.”
“Chúng ta muốn tưởng tượng những người bất đồng chính kiến đều có bàn tay trong sạch và lương tâm trong sạch dưới thời Stalin. Trên thực tế, họ kém dạn dĩ, kém dũng cảm và kém thẳng thắn hơn Sholokhov vào thời điểm đó.”
“Nếu ông ấy chết vào năm 1938, ông ấy có lẽ đã được học thuật phương Tây ca tụng.”
Brian J. Boeck nói về tiếp nhận Sholokhov ngày nay tại Nga:
“Sông Đông đang được đọc lại ở các trường học, và Putin đã đến thăm nhà của Sholokhov.”
“Một phần quan trọng trong cách đối phó của Putin với quá khứ bao gồm việc tôn vinh những con người và thành tựu thời Xô Viết và Stalin, đồng thời dung hòa các thời đại khác nhau của quá khứ Nga, như Sholokhov đã làm trong tiểu thuyết.”
Bài của BBC News Tiếng Việt.