Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Đẩy mạnh giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công

Cần có chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp

Sau khi nghe phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, cử tri Nguyễn Văn Trực, xã Phong Nẫm (thành phố Phan Thiết) cho biết, trong kỳ họp lần này, không khí chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi; các câu hỏi của đại biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề với những nội dung được nhiều cử tri quan tâm; có sự tranh luận đến cùng để làm sáng tỏ vấn đề. Các Bộ trưởng và người liên quan trả lời chất vấn đều đã trả lời đúng trọng tâm các vấn đề được đại biểu chất vấn. Điều này chứng tỏ các Bộ trưởng đã nắm và chuẩn bị rất kỹ lưỡng, thể hiện rõ trách nhiệm của mình trước phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội điều hành chất vấn nghiêm túc, dứt khoát, đúng nội dung vấn đề.

Một trong những vấn đề cử tri Nguyễn Văn Trực quan tâm là giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, Bình Thuận có khoảng 300 doanh nghiệp đã giải thể, bỏ địa chỉ kinh doanh do ảnh hưởng dịch COVID-19; khoảng 300 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, hàng nghìn hộ kinh doanh giải thể hoặc tạm nghỉ. Mong muốn của nhiều doanh nghiệp hiện nay là Trung ương có những chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thực hiện hiệu quả mục tiêu “kép” phòng, chống dịch và phát triển kinh tế.

Cử tri Nguyễn Phúc Hòa, phường Hưng Long (thành phố Phan Thiết) đánh giá các gói hỗ trợ an sinh xã hội, phục hồi kinh tế thời gian qua là tương đối rõ ràng, đúng hướng, trong bối cảnh các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Chính phủ đã có nhiều chính sách khác nhau nhưng cùng mục tiêu hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc miễn giảm, hoãn các loại phí thuế, cung cấp các khoản vay bảo lãnh, tín dụng, giảm giá điện, nước… để duy trì sự tồn tại của các doanh nghiệp, giảm thiểu lao động thất nghiệp. Việc xác định các đối tượng được hỗ trợ cũng nhận được sự đồng thuận cao trong cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia và cả các cơ quan nhà nước.

Theo cử tri Nguyễn Phúc Hòa, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần có chính sách cụ thể về miễn, giảm tiền thuê đất để duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; có giá cho thuê ưu đãi đối với các doanh nghiệp làng nghề để thu hút các doanh nghiệp này sản xuất tại các cụm công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính để phục vụ sản xuất – kinh doanh, trả lương cho người lao động, đào tạo, đào tạo lại, tạo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động…

Đẩy mạnh giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công

Cử tri Đào Văn Khoa, phường Phú Thủy (thành phố Phan Thiết) cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cơ bản giải đáp được các thắc mắc của đại biểu. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới, tình hình kinh tế – xã hội nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt với quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa để thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế; trong đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động.

Theo cử tri Đào Văn Khoa, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan bởi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp phải thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương, tuy nhiên nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, nhất là các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Một số bộ, cơ quan, địa phương, nhất là những nơi không thực hiện giãn cách xã hội thiếu quyết tâm, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân… Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề muôn thuở, nếu các quy định về đất đai chưa giải quyết được triệt để, vì vẫn bị vướng mắc về nguồn gốc đất, giá đền bù, tranh chấp, ý thức người dân… làm chậm tiến độ.

Nhiều cử tri Bình Thuận cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa địa phương và Trung ương; xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là ý thức thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình hiện nay, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19; đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công. Kết quả giải ngân dự án đầu tư công nên xem xét là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cấp chính quyền.

Đánh giá về các phiên chất vấn của Quốc hội, cử tri Đào Văn Khoa cho biết, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội đi vào những vấn đề cụ thể. Với việc Quốc hội đổi mới về quy định thời lượng hỏi và trả lời chất vấn được cử tri đánh giá cao vì không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn thể hiện năng lực của người hỏi và người trả lời, đi thẳng vào vấn đề không dàn trải. Bởi thực tế có đại biểu hỏi nhưng lại dẫn giải nhiều rồi mới đi đến câu hỏi, sự thay đổi này đòi hỏi đại biểu đặt thẳng câu hỏi và người trả lời phải trả lời vào nội dung chính thuộc trách nhiệm của mình.