Kinh tế TP.HCM tăng trưởng cao nhất 6 năm – Kinh doanh

Trong quý I, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM ước tăng 7,51% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay.

Kinh tế TP.HCM tăng trưởng cao nhất 6 năm – Kinh doanh

GRDP của TP.HCM tăng 7,51% so với quý I/2024. Ảnh: Quỳnh Danh.

Phát biểu tại Phiên họp UBND TP.HCM tháng 3 chiều 2/4, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết GRDP quý I ước đạt 457.617 tỷ đồng, tăng 7,51% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, đây cũng là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay.

Khởi đầu tốt cho TP.HCM

Đánh giá về các số liệu này, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê TP.HCM cho biết nếu so với các đầu tàu kinh tế khác như Hà Nội, Cần Thơ, hay các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, có thể thấy tăng trưởng GRDP của TP.HCM ở mức tốt hơn.

“TP.HCM đã có bước chạy đà tốt trong quý I”, ông Hoàng nhấn mạnh, đồng thời dự báo tăng trưởng nửa cuối năm có thể thấp hơn nửa đầu năm dưới tác động của các chính sách thuế quan.

Do đó, ông khuyến nghị TP.HCM cần có những cú hích, đòn bẩy lớn để tăng tốc trong quý II nhằm bù đắp khó khăn của quý III và quý IV.

SO SÁNH MỨC TĂNG GRDP TP.HCM TRONG QUÝ I QUA CÁC NĂM
Nguồn: Chi cục Thống kê TP.HCM
Nhãn I/2020 I/2021 I/2022 I/2023 I/2024 I/2025
% 0.42 4.58 1.88 0.7 6.54 7.51

Thực tế, ông phân tích rằng trong quý I, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,94% – cao nhất trong 5 năm qua, nhưng vẫn chưa bứt phá như kỳ vọng do trụ cột công nghiệp chế biến chế tạo còn tăng thấp.

Theo khảo sát, các doanh nghiệp chỉ ra những yếu tố gây khó khăn trong quý I là nhu cầu thị trường trong nước còn thấp, tính cạnh tranh cao, nhu cầu quốc tế thấp, và khó khăn về tài chính.

Dẫu vậy, 42,5% số doanh nghiệp tham gia khảo sát dự báo quý II sẽ khả quan hơn. Hiện, nhiều doanh nghiệp đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý II, lĩnh vực dệt may ghi nhận đơn hàng cho cả năm.

Riêng về xây dựng, khó khăn nằm ở việc tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, cũng như giải ngân đầu tư công chưa đạt kế hoạch, trong khi hợp đồng xây dựng mới nhìn chung chưa nhiều.

Đáng chú ý, ông Hoàng nhấn mạnh khu vực dịch vụ vẫn là động lực tăng trưởng chính của TP.HCM và đã tăng khoảng 8,72% trong quý I. Đây là mức tăng trưởng cao nhất 7 năm qua, kể cả so với giai đoạn trước dịch Covid-19.

Trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu, dịch vụ vận tải có mức tăng cao nhất, cùng với sự bùng nổ của du lịch đã giúp các hoạt động lữ hành, lưu trú và ăn uống tăng trưởng cao.

Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, TP.HCM thu hút được khoảng 567,21 triệu USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ.

Kiến nghị khoán tăng trưởng cho doanh nghiệp tư nhân

Chia sẻ tại phiên họp, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cũng cho rằng mức tăng trưởng 7,51% là tốt nhưng chưa đạt so với mục tiêu năm nay của TP.HCM.

Theo ông, với quy mô GRDP 1,7 triệu tỷ đồng hiện nay, nếu muốn tăng trưởng đột biến trong ngắn hạn, TP buộc phải tăng tổng cầu và dồn lực đầu tư.

Trong đó, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, ông nhấn mạnh cần thúc đẩy đầu tư tư nhân, thông qua sự dẫn dắt của đầu tư công, cải thiện môi trường kinh doanh, quỹ đất và thủ tục đầu tư.

Mặt khác, tăng trưởng của TP.HCM còn gắn rất chặt với tăng trưởng toàn vùng Đông Nam Bộ, do đó cần tăng cường liên kết vùng để thúc đẩy động lực tăng trưởng. Đồng thời, TP cũng cần có giải pháp kết nối cực tăng trưởng phía đông và phía nam thành phố, để tối ưu nguồn lực.

Song song đó, TS Trương Minh Huy Vũ kiến nghị TP.HCM khoán tăng trưởng cho cả các doanh nghiệp tư nhân, có thể thông qua cách làm tương tự như khi Thủ tướng đặt hàng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tham gia các dự án lớn của quốc gia. Với TP.HCM, đó có thể là các dự án nhà ở xã hội, nhà ven kênh rạch, các dự án hạ tầng…

Hiện, theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, cứ 1 doanh nghiệp gia nhập thì có 1,4 đơn vị rời thị trường. Trong khi trước đây, tỷ lệ này là 1:0,6, 1:0,9 hay 1:1, phản ánh môi trường kinh doanh ở TP.HCM chưa có chuyển biến tích cực. Về thực trạng này, TS Trương Minh Huy Vũ cho rằng cần làm rõ hơn nguyên nhân để tìm cách thúc đẩy tăng trưởng của khối kinh tế tư nhân.

Bên cạnh đó, TS Vũ cũng nhắc đến mô hình 1-4-1 mà Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được giao Viện Nghiên cứu Phát triển TP tham mưu, gồm (1) trung tâm tài chính quốc tế – (4) trung tâm công nghệ cao đa mục tiêu (tích hợp trí tuệ nhân tạo, dữ liệu, chip bán dẫn); khu công nghiệp công nghệ cao; y tế chất lượng cao; giáo dục chất lượng cao – (1) hạ tầng giao thông, hạ tầng số.

Trong quá trình thúc đẩy những giải pháp đột phá này, vị chuyên gia đồng thời lưu ý TP.HCM quản trị các rủi ro lớn như lạm phát, già hóa dân số.

Kinh tế Bắc Giang tăng hơn 14%, dẫn đầu cả nước

Tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang chủ yếu đến từ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là nhờ các doanh nghiệp FDI mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và gia tăng doanh thu.

Giá thịt heo, thuê nhà tăng sau Tết, đẩy CPI tháng 2 tăng 0,34%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,34% so với tháng trước. Bình quân 2 tháng đầu năm, CPI tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều doanh nghiệp dự báo lãi đậm quý đầu năm

SSI Research dự báo bức tranh lợi nhuận quý I phân hóa rõ rệt, với nhiều doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ nhờ bàn giao dự án và biên lợi nhuận cải thiện.

Hoàn tất phê duyệt đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước trong quý I

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu các cơ quan đại diện chủ sở hữu trong quý I/2025 phải hoàn thành phê duyệt đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định số 360/QĐ-TTg.

Tri Thức – Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.