Chậm triển khai hạ tầng
Thực trạng hiện nay là tiến độ đầu tư, chuẩn bị đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng vẫn còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như việc thu hút đầu tư vào địa phương. Qua thống kê sơ bộ của Sở Công Thương Đà Nẵng, năm 2019, có khoảng 500 cơ sở sản xuất rải rác trong các khu dân cư có nhu cầu thuê mặt bằng trong các CCN để sản xuất. Hiện nay, con số này đã gia tăng, cần có khảo sát, đánh giá nhu cầu tổng thể.
Trong khi đó, việc thu hút đầu tư vào các KCN, Khu công nghệ cao ở Đà Nẵng trong những năm gần đây chững lại, đặc biệt là không thu hút được các nhà đầu tư lớn. Theo Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng, nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng, giao thông nội bộ, cảnh quan trong các KCN đầu tư thiếu đồng bộ, khoảng cách ly với khu dân cư chưa phù hợp. Quy hoạch KCN điều chỉnh nhiều lần, diện tích KCN bị thu hẹp, ngay cả những phần đất đã đầu tư hạ tầng.
Bên cạnh đó, các KCN mới chỉ tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật mà chưa quan tâm đến hạ tầng xã hội. Nhà xưởng cho thuê trong các KCN còn thiếu, chất lượng nhà xưởng cho thuê và môi trường cảnh quan chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư.
Hiện nay, cơ cấu kinh tế Đà Nẵng đang tập trung vào thương mại, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp trong đó khối dịch vụ, thương mại chiếm tỷ trọng lớn, gần 65%. Do cơ cấu như vậy nên trong thời kỳ đại dịch vừa qua, kinh tế Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là khu vực dịch vụ, thương mại. Vì vậy, việc phát triển công nghiệp là giải pháp tạo cân bằng, bền vững cho nền kinh tế Đà Nẵng.
Tỷ lệ lấp đầy KCN Hòa Khánh thuộc quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng đạt 100%. Ảnh: Thành Vân.
Với định hướng đó, từ năm 2017, Đà Nẵng đã quy hoạch xây dựng 3 KCN mới tổng diện tích hơn 1.000 ha để tạo mặt bằng sản xuất cho nhà đầu tư. Đồng thời, thành phố cũng quy hoạch xây dựng loạt CCN mới gồm: CCN Cẩm Lệ hơn 29ha, Hòa Nhơn 24,7ha, Hòa Khánh Nam hơn 13ha. Các CCN này nhằm đáp ứng mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của thành phố hiện đang sản xuất gây ô nhiễm trong các khu dân cư.
Tuy nhiên, sau 5 năm, cả 3 KCN mới vẫn dừng ở khâu thủ tục, lựa chọn nhà đầu tư. Còn các CCN, vẫn chưa có doanh nghiệp nào vào được như mong muốn. Nguyên nhân là do các khu, CCN nghiệp triển khai gặp nhiều vướng mắc trong việc quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng…
Đơn cử tại CCN Hoà Khánh Nam, ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) cho biết, dự án này sau khi điều chỉnh còn 13,2ha với 233 hồ sơ. Hiện nay còn vướng trong khu vực bãi rác Khánh Sơn. Quận đang triển khai bước đầu công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đang trình thành phố có phương án bố trí tái định cư.
“Kế hoạch tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng trong quý II/2023; đồng thởi UBND quận phối hợp với Sở Công Thương xây dựng các tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư chất lượng”, ông Huy thông tin.
Chuẩn bị quỹ đất đón nhà đầu tư
Liên quan đến việc phát triển các CCN trên địa bàn thành phố, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, hiện thành phố đang triển khai đầu tư 3 CCN gồm: Cẩm Lệ, Hoà Nhơn và Hoà Khánh Nam. Trong đó, CCN Cẩm Lệ đã được đầu tư, thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng hoàn thành sớm nhất. Đến nay, cơ bản đã hoàn thành 90%, dự kiến hoàn thành vào quý III/2022; giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành vào quý IV/2022.
“Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là thuê đất và cho thuê đất. Đà Nẵng đang làm việc để xin Thủ tướng cơ chế giải quyết vướng mắc này. Dự kiến, sẽ phấn đấu đưa CCN Cẩm Lệ vào hoạt động vào quý IV/2022 sau khi Thủ tướng đồng ý xử lý vướng mắc”, bà Phương cho hay.
Bà Phương cho biết thêm, đối với CCN Hoà Nhơn, dự kiến công tác giải phóng mặt bằng hoàn thành trong quý III/2022, triển khai thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư vào xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Đối với CCN Hoà Khánh Nam, trong quý II/2023 sẽ hoàn thành giải toả mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật năm 2024.
“Để phát triển CCN trong giai đoạn tới, Sở Công Thương Đà Nẵng đã xây dựng phương án phát triển CCN, trong đó đề xuất quy hoạch phát triển mới một số CCN tích hợp vào quy hoạch thành phố trong giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2050. Trên cơ sở các CCN mới đã được thống nhất để phát triển thì Sở Công Thương sẽ xây dựng chương trình phát triển hạ tầng CCN và dự kiến trình UBND thành phố vào kỳ họp cuối năm 2022”, bà Phương cho hay.
Trong khi đó, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng cho biết, về đầu tư hạ tầng giai đoạn 2 KCN Hoà Cầm, Thủ tướng đã phê duyệt chấp thuận đầu tư KCN giai đoạn 2. Hiện tại, Ban Quản lý đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai, dự kiến đến 15/11/2022 sẽ lựa chọn được nhà đầu tư và sau đó sẽ triển khai các thủ tục tiếp theo như đền bù, giải toả, đầu tư kết cấu hạ tầng.
Về KCN Hoà Ninh, hiện tại thành phố đã trình hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, các Bộ ngành Trung ương đang xử lý. Dự kiến đến đầu năm 2023 Đà Nẵng sẽ lựa chọn được nhà đầu tư; về KCN Hoà Nhơn, Ban Quản lý đang tiếp tục tham mưu UBND thành phố sớm có quỹ đất phục vụ cho sản xuất thành phố.
“Phải cố gắng lựa chọn được các nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm, đặc biệt là khả năng thu hút các nhà đầu tư để việc phát triển sản xuất công nghiệp thành phố có kết quả tốt hơn. Hiện, KCN Liên Chiểu còn khoảng 100ha; ngoài ra có Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung còn quỹ đất phục vụ cho các nhà đầu tư”, ông Sơn nói.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, để tháo gỡ “nút thắt” thu hút đầu tư trong giai đoạn mới, thành phố đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư đảm bảo phát triển hiệu quả và thực chất. Trong đó, Đà Nẵng chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ thông tin đón dòng vốn dịch chuyển quốc tế vào Việt Nam. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KCN cao theo hướng đồng bộ, hiện đại.
“Đà Nẵng sẽ hoàn thành thủ tục thành lập, lựa chọn nhà đầu tư và hoàn thiện hạ tầng đưa vào sử dụng các CCN (Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam) và 3 KCN (Hòa Cầm – giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh). Đồng thời, sớm đưa Khu Công viên phần mềm số 2, KCN hỗ trợ công nghệ cao, CCN Cẩm Lệ vào khai thác”, ông Minh thông tin.