Cần giải quyết vấn đề bản quyền

(SHTT) – Hoạt động xuất bản điện tử vẫn đang là xu thế phát triển chính tại hầu hết các nước trên thế giới với tốc độ tăng trưởng đáng kể trong những năm qua. Tuy nhiên đi kèm với đó, vấn đề bản quyền cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Hiện nay, các nhà xuất bản đều mở gian hàng trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada, Tiktok… Nhờ đó, các công ty phát hành, làm sách sẽ chủ động mở rộng kênh phân phối và đem lại doanh thu tốt hơn.

Một số đơn vị ghi nhận doanh số bán hàng từ các kênh thương mại điện tử tăng cao như Alpha Books đóng góp 40-45% doanh số bán sách trên các nền tảng điện tử, Bách Việt với khoảng 20%… Hay như Fahasa, nhờ mở kênh bán hàng điện tử mà đơn vị này nhận thấy được sự quan tâm lớn dành cho sách thiếu nhi, từ đó tạo cơ hội cho các nhà xuất bản trong việc đáp ứng nhu cầu sách thiếu nhi và giáo dục.  

Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2023, toàn ngành xuất bản có 4.000 xuất bản phẩm dạng điện tử. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán sách trên nền tảng TikTok đạt 600 tỷ đồng. Cả nước hiện có gần 30 nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách được cấp phép xuất bản và phát hành sách điện tử, tạo nên bức tranh đa sắc màu trong lĩnh vực chuyển đổi số. Thông tin từ Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng cho thấy, quy mô doanh thu thị trường sách nói trong năm 2023 tại Việt Nam đạt 80 tỷ đồng. Trong đó, số lượt nghe sách nói năm 2023 đạt 40 triệu lượt (tăng 25% so 2022); số tựa sách điện tử xuất bản trong năm đạt 4.600 đầu, tăng 31,4%, đưa tỷ lệ sách điện tử/sách đạt 15,3% trên tổng số xuất bản phẩm (vượt 12% so chỉ tiêu đề ra). Tỷ lệ nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử đạt 40,3% (vượt 20% so kế hoạch).

Cần giải quyết vấn đề bản quyền

 

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành cho rằng, lợi thế và tiềm năng từ chuyển đổi số trong xuất bản, phát hành sách là rất lớn. Tuy nhiên, các đơn vị cần vượt qua một số thách thức để sớm bắt nhịp so thị trường thế giới. Hiện tại, nhiều đơn vị vẫn có tâm lý chờ đợi, đi sau nhằm hạn chế rủi ro. Thế nhưng, với chuyển đổi số, các bên phải đi đầu để tiếp cận, vừa làm vừa cập nhật thay vì sợ thất bại mà chờ đợi mãi. Nhân lực cho chuyển đổi số cũng là bài toán hóc búa mà không phải đơn vị nào cũng đủ khả năng đáp ứng. Và quan trọng hơn cả là câu chuyện bảo vệ bản quyền trên nền tảng số khi AI xuất hiện.

Hiện nay, đối tượng của xâm phạm bản quyền sách trên không gian mạng chủ yếu là các xuất bản phẩm điện tử: sách điện tử (e-book), sách nói (audio-book), sách tương tác, sách 3D,… Các đối tượng tự ý chuyển đổi sách in thành bản điện tử mà chưa được sự cho phép, chưa trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả đối với sách, có thể đã đăng tải lên môi trường mạng hay cố tình sử dụng, tải về các sách điện tử, sách nói không có bản quyền.

Bên cạnh đó, tự ý đăng tải sách điện tử, sách nói lên môi trường mạng, tự ý lan truyền, chia sẻ lại các bản điện tử của sách lên các hội, nhóm, mạng xã hội, website cung cấp cho người dùng xem, tải về kèm theo thu phí.

Trên môi trường mạng, nhiều đối tượng cố tình thực hiện các thủ thuật công nghệ, bẻ khóa, phá bỏ các biện pháp công nghệ được áp dụng để bảo vệ bản sách điện tử như ngăn chặn việc sao chép, tải về, cài đặt mật khẩu để hạn chế truy cập hay cố tình xóa bỏ, thay đổi các thông tin về tác giả, chủ sở hữu, thường là các thông tin, logo xuất hiện trên bìa sách, góc trên hoặc góc dưới của mỗi trang sách.

Nhiều đối tượng còn sửa chữa, xuyên tạc nội dung sách, cắt ghép nội dung sách này vào sách kia làm thay đổi nội dung chính của sách. Xâm phạm quyền đứng tên, nêu tên trên tác phẩm, truyền đạt, chia sẻ hợp pháp các sách điện tử có bản quyền nhưng lại không ghi nguồn, không chú thích các thông tin về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với sách, cố tình không nêu hoặc nêu sai tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với sách.

Vì vậy để hoạt động xuất bản điện tử phát triển mạnh mẽ thì cần siết chặt vấn đề bản quyền.

Minh Anh