Thay đổi nhờ những tấm Huy chương Vàng
Tại ASIAD 19 vừa qua, thể thao Việt Nam đã vừa vặn cán mốc chỉ tiêu 3 HCV. Hai trong số đó đến từ Cầu mây và Karate. Đây đều là những môn thể thao không nằm trong chương trình thi đấu Olympic, nhưng thường xuyên xuất hiện tại SEA Games, cũng như Á vận hội suốt nhiều thập niên qua.
Cầu mây nữ được đôn lên nhóm 2 nhờ Huy chương Vàng ASIAD.
Nhìn về quá khứ, Cầu mây và Karate đã không ít lần đóng vai trò là “người cứu tinh” cho đoàn thể thao Việt Nam ở nhiều kỳ ASIAD. Trong bối cảnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định điều chỉnh một số nội dung của 2 môn thể thao này từ nhóm 3 lên nhóm 2.
Trong danh sách những nội dung thi đấu được thăng hạng còn có xe đạp trong nhà, nhảy breaking (từ nhóm 2 lên nhóm 1). Một số nội dung thi đấu của môn trượt ván, đua thuyền, Canoeing cũng được bổ sung vào nhóm 1. Vậy việc thăng hạng có ý nghĩa như thế nào với những môn thể thao này?
Thứ nhất, việc phân nhóm các môn thể thao thành tích cao được sử dụng làm căn cứ xét thưởng khi VĐV, HLV đạt kết quả tốt tại các giải quốc tế. Nếu không tính Olympic, ASIAD và SEA Games, nơi mức thưởng huy chương tương đương nhau, có một sự khác biệt rất lớn giữa các nhóm.
Theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP, một VĐV giành HCV ở giải vô địch thế giới một môn “nhóm 1” sẽ được thưởng 175 triệu đồng. Con số này giảm xuống chỉ còn 70 triệu đồng với môn nhóm 2, và 45 triệu đồng cho các môn nhóm 3. Với những môn không phân nhóm, VĐV được thưởng tương đương nhóm 2 và 3.
Cơ sở giúp Việt Nam phân các môn thành 3 nhóm dựa trên chương trình thi đấu các giải thể thao quốc tế. Nhìn chung, Nhóm 1 là những môn thường xuất hiện tại Olympic, và Việt Nam có những VĐV đủ khả năng tham dự Thế vận hội. Nhóm 2 là các môn xuất hiện tại Á vận hội, còn nhóm 3 chỉ có ở SEA Games, trừ một số ngoại lệ đặc biệt khác.
Thứ hai, việc điều chỉnh, phân nhóm các môn thể thao thành tích cao cần được cập nhật thường xuyên. Việc này giúp cho thể thao Việt Nam có sự điều chỉnh phù hợp với thế giới. Điều này càng quan trọng hơn khi gần đây, nhiều môn thể thao được đưa vào Olympic, hoặc có thay đổi lớn.
Trong tương lai, thể thao Việt Nam có thể sẽ đưa VĐV tham dự Olympic mùa đông, bên cạnh Olympic mùa hè truyền thống. Ngoài ra, một số môn thể thao mùa đông nhiều khả năng sẽ được đưa vào SEA Games 2025 tại Thái Lan. Trong bối cảnh đó, nhiều môn như trượt băng, trượt băng nghệ thuật đã lập tức nằm trong nhóm các môn thể thao thuộc nhóm 2.
Và những môn “giáng cấp”
Bên cạnh việc “thăng cấp”, thể thao Việt Nam cũng chứng kiến nhiều môn, nội dung thi đấu bị “giáng cấp” trong kỳ điều chỉnh vừa qua. Ngay trong môn cầu mây, nội dung đồng đội đôi nam được yêu cầu điều chỉnh từ nhóm 2 xuống nhóm 3. Đây là kết quả khi nội dung này không cải thiện thành tích trong khoảng thời gian 2 năm gần đây.
Bên cạnh cầu mây, một số nội dung thi đấu của môn Canoeing, cũng như Rowing cũng chứng kiến tình trạng bị giáng cấp. Hai môn thể thao này chứng kiến 8 nội dung thi đấu được đưa từ nhóm 1 xuống thẳng nhóm 3. Ngoài ra, Rowing còn có 4 nội dung nhóm 2 được đề nghị xuống nhóm 3.
Sự thay đổi trong việc giáng cấp nhiều nội dung thi đấu của Canoeing, cũng như Rowing chủ yếu xuất phát từ thành tích quốc tế. Tại ASIAD 2018, Rowing Việt Nam từng có HCV. Nhưng đến kỳ Á vận hội vừa qua, đội tuyển Rowing chỉ giành được 3 HCĐ. Bên cạnh đó, những nội dung bị điều chỉnh hiện không còn trong chương trình thi đấu quốc tế.
Sự thay đổi trong hướng phát triển thể thao thành tích cao của Việt Nam còn được nhìn nhận rõ nhất ở môn Boxing. Toàn bộ các nội dung thi đấu của Boxing nam, cũng như 2 hạng cân của Boxing nữ được điều chỉnh từ nhóm 1 xuống nhóm 3. Đây là hệ quả khi thành tích của Boxing Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào cá nhân, thay vì có lực lượng đồng đều.
Tại Olympic Tokyo, Boxing nam từng bất ngờ chứng kiến tấm vé lịch sử của Nguyễn Văn Đương. Nhưng trong 2 kỳ SEA Games sau đó, thành tích của Boxing nam hoàn toàn khiêm tốn so với Boxing nữ. Điều này càng được phản ánh rõ nét tại ASIAD vừa qua, khi các tuyển thủ nam đều bị loại sớm.
Trong số 16 môn thể thao được Việt Nam chú trọng hướng đến sân chơi Olympic, Boxing vẫn được nhắc tên. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khẳng định ưu tiên của Việt Nam nên dành cho Boxing nữ, nơi các VĐV duy trì thành tích tốt hơn. Vì thế, Boxing nam buộc phải sắm “vai phụ” nếu không thể cải thiện thành tích trong thời gian tới.
Ngoài lý do về thành tích, Boxing còn bị điều chỉnh xuống nhóm 3 bởi môn thể thao này chưa đảm bảo sẽ xuất hiện tại Olympic 2028. Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) không đạt được đồng thuận trong việc thành lập một cơ quan mới quản lý Boxing nghiệp dư thay thế IBA. Do đó, việc có đưa Boxing vào chương trình Olympic hay không vẫn bị “treo”.
Một chi tiết đáng lưu tâm khác trong số những môn thể thao được bổ sung trong nhóm 3, đó là rất nhiều môn võ được đưa vào. Kun Bokator, Võ cổ truyền đã xuất hiện sau một kỳ SEA Games. Jujitsu, Sambo, Sambo bãi biển và Vật được đưa vào một loạt các nội dung.
Thể thao Việt Nam sẽ đạt chỉ tiêu suất dự Olympic nhờ vé mời?
Tính đến ngày 23/5, thể thao Việt Nam đã có 10 suất tham dự Olympic Paris. Ngoài 9 VĐV đã chính thức có vé, tay vợt Lê Đức Phát cần được Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF) và Ủy ban Olympic Quốc tế chính thức gửi thư mời đến Ủy ban Olympic Việt Nam. Việc này chỉ là một phần của thủ tục, bởi BWF đã xác nhận Đức Phát được tham dự Olympic.
Với 10 suất tham dự Olympic Paris, thể thao Việt Nam cần có thêm 2 suất nữa để đạt chỉ tiêu 12-15 VĐV tham dự. Những môn tiếp theo có khả năng cạnh tranh vé đến Thế vận hội gồm có Bắn cung, Judo, Boxing. Ngoài ra, thể thao Việt Nam cũng có thể nhận vé mời đến Olympic Paris.
2 môn thể thao mà Việt Nam có thể nhận vé mời là Bơi và Điền kinh. Võ Thị Mỹ Tiên (bơi), Trần Thị Nhi Yến (điền kinh) có thể là những gương mặt tiếp theo được lựa chọn. Họ cũng là những gương mặt sáng giá nhất ở hạng mục mình tham gia thi đấu.