(Dân trí) – Việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn chỉ được thực hiện trong trường hợp cầu đáp ứng yêu cầu, điều kiện kỹ thuật, không quá thời hạn tuổi thọ khai thác. Đây là quy định mới trong dự án Luật Đường bộ.
Chính phủ vừa gửi Quốc hội tờ trình Dự án Luật Đường bộ trên cơ sở tiếp thu, giải trình và chỉnh lý hoàn thiện trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV và chỉ đạo của Bộ Chính trị. Theo đó, dự án này được đổi tên thành Luật Đường bộ thay cho Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Cuối tháng 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý trình Quốc hội bổ sung dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Ý kiến khác nhau việc “dùng gầm cầu cạn để trông giữ xe”
So với luật hiện hành, dự thảo Luật Đường bộ đã bổ sung quy định về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông. Quy định này nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả của việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ ra rằng việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn chỉ được thực hiện trong trường hợp cầu đáp ứng yêu cầu, điều kiện kỹ thuật, không quá thời hạn tuổi thọ khai thác.
Chính phủ cho rằng việc sử dụng gầm cầu cạn trông giữ xe nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn (Ảnh minh họa: Xuân Ngọc).
Việc này cũng phải bảo đảm các điều kiện như: bảo đảm an toàn công trình đường bộ, an toàn giao thông; có thiết kế tổ chức giao thông đấu nối nơi trông giữ xe với đường bộ trong khu vực; được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về biện pháp phòng cháy chữa cháy, đồng thời phải lấy ý kiến của cơ quan công an trước khi chấp thuận việc sử dụng tạm thời gầm cầu.
Ngoài ra, Chính phủ quy định không sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ chở nhiên liệu, chất dễ gây cháy, nổ, hóa chất ăn mòn kim loại, các chất nguy hiểm khác và các phương tiện quá niên hạn sử dụng.
Về nội dung mới này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị quy định chặt chẽ theo hướng hạn chế tối đa việc sử dụng gầm cầu cạn, tránh lạm dụng. Cơ quan này đồng thời đề nghị cần có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng điểm dừng, đỗ, trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ.
Trong khi đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bỏ quy định này vì việc sử dụng cần đúng mục đích, đúng công năng, bảo đảm an toàn cho công trình cầu cạn.
Tiếp thu những ý kiến này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Công an rà soát, chỉnh lý Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ để đảm bảo thống nhất, không chồng chéo. Đồng thời, Chính phủ bổ sung quy định về chính sách ưu tiên sử dựng đất đầu tư xây dựng điểm dừng, đỗ, trông, giữ, trạm sạc điện phương tiện giao thông đường bộ trong đô thị tại dự thảo Luật Đường bộ.
Cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm khi tổ chức hoạt động đưa, đón học sinh
Dự thảo Luật Đường bộ vừa được Chính phủ trình Quốc hội cũng quy định mới về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô nhằm giải quyết được mối quan tâm của dư luận xã hội trong việc bảo vệ đối tượng yếu thế (trẻ em) tham gia giao thông trong thời gian qua.
Trong đó, dự thảo Luật tập trung vào quy định về phương tiện và người lái xe với những đặc thù.
Chính phủ quy định cơ sở giáo dục khi tổ chức hoạt động đưa, đón học sinh chịu trách nhiệm về việc đón, trả học sinh của đơn vị mình đảm bảo an toàn giao thông (Ảnh minh họa: CAND).
Cụ thể, xe đưa đón học sinh phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn riêng để nhận diện.
Xe ô tô sử dụng để đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe đảm bảo có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.
Theo quy định của Chính phủ, lái xe ô tô đưa đón học sinh phải có 2 năm kinh nghiệm lái xe kinh doanh vận tải hành khách.
Đặc biệt, dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm của cơ sở giáo dục, đào tạo trong việc xây dựng, tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững, thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn khi đưa đón học sinh.
Ngoài ra, dự thảo Luật quy định cơ sở giáo dục, đào tạo khi tổ chức hoạt động đưa, đón học sinh chịu trách nhiệm về việc đón, trả học sinh của đơn vị mình đảm bảo an toàn giao thông.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị nghiên cứu, quy định điều kiện và trách nhiệm của các chủ thể phù hợp với thực tế, vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ, tăng cường bảo đảm an toàn cho học sinh, nhưng không làm phát sinh các chi phí bất hợp lý, tạo gánh nặng cho nhà trường và phụ huynh học sinh.
Giải trình thêm về quy định này, Chính phủ cho biết cơ quan soạn thảo luật là Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát để quy định phù hợp với thực tiễn, bảo đảm quản lý chặt chẽ, tăng cường bảo đảm an toàn cho học sinh, nhưng không làm phát sinh các chi phí bất hợp lý, tạo gánh nặng cho nhà trường và phụ huynh học sinh.
Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 95 điều, sửa đổi 40 điều và bổ sung mới 54 điều. Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (tháng 10).